Có rất nhiều trẻ mất dần hứng thú với việc học tập khi chúng trưởng thành hơn. Một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, có khoảng 40% học sinh trung học tại Mỹ ít hoặc không có hứng thú với trường học. Các bậc cha mẹ có thể giúp con mình thoát khỏi xu hướng này. Mặc dù thời điểm tốt nhất để khuyến khích trẻ học là khi chúng còn nhỏ, nhưng không bao giờ là quá muộn. Dưới đây là một số lời khuyên để duy trì tình yêu học tập cho con bạn.
1. Dạy cho con từ sớm, truyền cảm hứng thường xuyên
Trẻ em thường cảm thấy mọi thứ thật hấp dẫn. Chúng có thể nghịch cát, xếp đồ chơi, thậm chí là nhìn chằm chằm vào đôi bàn tay của mình hàng giờ. Chính vì vậy, cha mẹ có thể dựa vào thời điểm bé thích khám phá, hay tò mò để tạo cho con sở thích học tập. Nếu con bạn ngạc nhiên bởi những dây mạng nhện hoặc thích thú với chiếc xe rác, hãy tạo cho bé sự nhiệt tình học hỏi bằng cách đặt các câu hỏi như: Bánh xe có hình gì? Xe có màu gì?…
Hòa nhập vào thiên nhiên hay tiếp xúc với các sự vật bên ngoài cũng là cách để truyền cảm hứng học tập cho con. Cha mẹ có thể cùng con đi bộ trong công viên, đi cắm trại, thăm các bảo tàng… Bên cạnh việc để con được quan sát, cha mẹ có thể trò chuyện cùng con để chắc con đang hiểu đúng.
2. Học mẫu cho con
Ngoài việc thể hiện thái độ tò mò, sự ngạc nhiên và ham muốn khám phá với con, cha mẹ cũng có thể làm mẫu cho việc học tập. Trên thực tế, chúng ta có thể nhờ vào sự trợ giúp của công nghệ mỗi khi chưa rõ một vấn đề nào đó. Đôi khi, cha mẹ hãy cùng con tìm hiểu về những kiến thức mới mà không cần dùng đến công nghệ. Dù sẽ có lúc sự việc không thể giải quyết, nhưng không sao, hãy để yếu tố bí ẩn thôi thúc con muốn tìm hiểu.
Chúng ta hãy tập cho con thói quen ngồi vào bàn học, bằng cách chúng ta sẽ làm mẫu: có thể là đọc báo, đọc sách, hay nghiên cứu một vấn đề nào đó, để con thấy rằng con cũng cần phải học ngay lúc này. Thêm vào đó, cha mẹ có thể cùng con giải quyết những công việc đơn giản, gần gũi như: lau chùi, sắp xếp bàn học, sửa chữa giá đựng sách, chăm sóc vật nuôi trong gia đình, cách sử dụng các công thức mới… Mọi việc được làm tuần tự theo các bước, tìm kiếm thông tin, bình tĩnh tháo gỡ những khó khăn gặp phải. Trẻ sẽ học hỏi được từ chính cách làm việc của bạn.
3. Cùng con khám phá
Học tập là để khám phá, trau dồi kiến thức. So với trẻ, cha mẹ là người nắm giữ kiến thức. Thế nên, thay vì luôn là chuyên gia, cha mẹ hãy biến mình trở thành nhà thám hiểm để cùng con tìm hiểu. Cũng đừng vội khen những lời sáo rỗng khi con phát biểu về kiến thức mới, vì đôi khi điều đó sẽ phản tác dụng. Hãy khuyến khích bé quan sát đầy đủ hơn để phát hiện thêm nhiều điều thú vị.
Thường xuyên trò chuyện không chỉ giúp con mở rộng kiến thức, mà đôi khi chính các bậc cha mẹ cũng sẽ phát hiện ra nhiều điều lý thú. Ví dụ, khi đọc một cuốn sách hoặc một tài liệu hướng dẫn về kỹ năng mới, bạn nói cho trẻ những phần khó khăn và những gì phải làm để vượt qua trở ngại: “Bố/mẹ chưa bao giờ thực hiện điều này, có thể bố/ mẹ đang phạm sai lầm. Tuy nhiên bố/mẹ sẽ không bỏ cuộc”. Trẻ sẽ rất tích cực hỗ trợ bạn.
4. Dạy con các kỹ năng mềm
Chắc chắn cha mẹ nào cũng muốn con mình giỏi các môn Ngữ văn, Toán và Khoa học, nhưng còn những thứ khác như lòng tốt, sự đồng cảm và kiên trì thì sao? Mặc dù khá khó khăn để đo lường như các môn học nhưng nó giúp con trở thành một người tốt nhất có thể.
Phụ huynh cũng nên hướng dẫn, phân tích để con chủ động chịu trách nhiệm với những hành động của mình, tự nhận thức được điểm mạnh và điểm yếu để hoàn thiện bản thân.
5. Khuyến khích con tự lập
Một điều quan trọng là cha mẹ hãy để trẻ được làm thử mọi thứ, nếu thất bại thì có thể làm lại. Tự đưa ra lựa chọn và làm việc độc lập giúp trẻ trải nghiệm những bài học mà trường lớp có thể không dạy.
Ngoài những kiến thức được học ở trường, trẻ có thể theo đuổi niềm đam mê riêng. Bên cạnh đó, chúng còn có khả năng tiếp thu những kỹ năng trong đời sống hằng ngày như nấu ăn, thay lốp xe…
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng có thể sử dụng các phương tiện truyền thông, công nghệ để truyền cảm hứng học tập cho con. Tuy nhiên, bạn phải kiểm soát được vấn đề là con có đang dùng các phương tiện đó để thực hiện đúng mục đích học tập hay không. Chỉ cách sử dụng tài liệu tham khảo, ứng dụng để con hiểu sâu hơn về chủ đề đang nghiên cứu.
Ngoài ra, chúng ta nên mang đến cho con những xúc cảm thích thú, hứng khởi khi xây dựng góc học tập theo sở thích của con, mua những đồ dùng học tập mà con yêu thích, tặng con những cuốn sách mà con muốn đọc… và rất nhiều điều tuyệt vời khác nữa ta có thể làm cho con. Chỉ khi thấu hiểu được sự yêu thương, quan tâm của cha mẹ, trẻ mới có hứng khởi làm những điều trẻ muốn, trẻ nhận thức được là đúng, đặc biệt là việc học.
Add Comment