“Lớp 1 là móng, cấp 1 là nền”, việc chuẩn bị mọi mặt cho một học sinh vào lớp 1 là vấn đề hết sức quan trọng vì nó không hề đơn giản. Trong những năm gần đây, khi điều kiện kinh tế phát triển, sự quan tâm, đầu tư của nhiều bậc phụ huynh chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 lại càng mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn.
Trẻ ở bậc mầm non chủ yếu hoạt động vui chơi, khi vào lớp 1, các em sẽ chuyển tiếp sang giai đoạn mới theo chương trình học, giờ giấc của trường nên cần có bước chuẩn bị để các em dễ thích nghi.
Chuẩn bị tâm lý cho con
Trong buổi đầu con đến với môi trường mới, mẹ (hoặc bố) cần lắng nghe con, giúp con làm quen bằng cách cùng đi học với con. Thực tế, có những ông bố, bà mẹ không chuẩn bị tâm lý cho con đã khiến con sợ hãi khóc thét khi đến trường. Việc phụ huynh đẩy bé vào cổng, mặc kệ bé khóc hay hứa vui với con rằng ba mẹ đi một chút sẽ trở lại đón con… sẽ khiến bé có cảm giác bị bỏ rơi và bất an…
Khi học mẫu giáo bé được tự do hơn, nhưng khi bước vào lớp 1 bé phải đối mặt với thầy cô, bạn bè mới cùng những quy tắc mới, bé sẽ có phần sợ hãi, lo lắng. Hơn nữa giai đoạn này, bé tiếp tục có những thay đổi về thể chất như: rụng răng sữa, mọc răng hàm, nên dễ mắc bệnh. Trong khi đó, nhu cầu tìm hiểu thế giới xung quanh, những thắc mắc về mọi hiện tượng của bé nhiều hơn. Vì thế phụ huynh cần quan tâm, lắng nghe để thấu hiểu con, đừng bao giờ dọa nạt theo cách “con mà không đi học thì mẹ không thương, mẹ đánh đòn hoặc mẹ cho ra ngoài đường”, bởi những đe dọa ấy ít nhiều đều làm tổn thương tâm hồn non nớt của con.
Các chuyên gia đều khuyên, thay vì lo cho con học chữ trước, cha mẹ hãy chú ý rèn luyện thể chất và tâm lý cho bé. Cho bé làm quen với trường mới, với sách vở, rèn luyện tính tập trung của con, tạo hứng thú cho con khi ngồi vào bàn học với lời khen, hay phần thưởng nào đó… để bé tự tin vào lớp 1.
Tập thói quen ngồi vào bàn học 30 phút
Trước khi con vào lớp 1, cha mẹ nên giúp con hình thành thói quen ngồi vào bàn học sau khi ăn tối, biết sắp xếp ngăn bàn và đồ dùng học tập, đi ngủ đúng giờ để hôm sau dậy sớm đi học vì trường tiểu học vào lớp sớm hơn mầm non.
Phụ huynh cũng cần chuẩn bị tâm lý cho mình để giải quyết những vấn đề của các con dễ khiến mình nổi nóng, mất kiểm soát như: buổi tối ngồi học thì vừa học vừa chơi, đang học lại đi vệ sinh, uống nước liên tục… Bố mẹ nên trao đổi kịp thời với giáo viên chủ nhiệm và phải sát sao với việc học tập của con, đừng cho rằng đó là trách nhiệm của nhà trường và phía giáo viên chủ nhiệm.
Tạo cho trẻ thói quen tự lập
Phụ huynh cũng cần tạo cho trẻ thói quen tự lập bằng cách khuyến khích trẻ thực hiện trọn vẹn làm vài việc nhà đơn giản, tự tạo thời gian biểu học tập, vui chơi và nghiêm túc thực hiện thời gian biểu ấy. Có thể dẫn trẻ đến thăm trường tiểu học và chỉ cho trẻ biết các phòng, lớp học, sân chơi; nói cho trẻ những điều mới lạ sẽ được học ở đó để trẻ có mong muốn được đi học…
Dạy trẻ khả năng tập trung
Chuyển từ hoạt động chủ đạo là vui chơi sang học tập, để có thể ngồi tập trung trong suốt cả thời gian một tiết học thật sự là điều khá khó khăn đối với trẻ. Chơi bao giờ cũng dễ hơn học, cho nên các thầy cô luôn tổ chức rất nhiều trò chơi giải lao trong tiết học: chơi với các trò chơi tư duy ngôn ngữ trên máy tính, các trò chơi với chữ cái, con số để các con có thể tập trung một cách dễ dàng hơn…
Ngoài ra sau giờ học, cha mẹ nên dành nhiều thời gian ở nhà, vui chơi, trò chuyện cùng con. Chúng ta có thể cùng con đọc sách, cùng vẽ, chơi cờ, tập thể thao… để con thấy được sự yêu thương và quan tâm của bố mẹ dành cho mình. Thêm vào đó, mỗi khi con học bài, cha mẹ hãy cùng con giải quyết những bài tập khó thay vì để con “bơi” một mình. Hãy ở bên con như một người bạn, thay vì bắt con phải làm cái này, cái kia theo ý của chúng ta.
Với những thông tin hữu ích trên, Việt An Books hi vọng phần nào giúp các phụ huynh có những thông tin cần thiết để đồng hành cùng con trong năm học mới 2020 – 2021 này!
Add Comment