Đã có không ít phụ huynh có con bước vào tuổi teen phản ánh rằng, họ rất khó giao tiếp với con dù là trai hay gái. Nhiều đứa trẻ trước đó đang rất ngoan nhưng khi bước vào tuổi dậy thì bỗng trở nên ương ngạnh, khó bảo.
Theo TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam cho biết thường khi trẻ bước vào độ tuổi thanh thiếu niên đa phần có tâm lý thích khẳng định mình, trong khi bản thân trẻ lại đang bước vào giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời. Đôi khi trẻ còn cảm thấy khá khó khăn trong việc giao tiếp với chính bản thân mình.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các phụ huynh cố gắng kết nối với với con nhưng nhận lại là sự lạnh nhạt, vô cảm của con. Đây được xem như là một thách thức đối với các phụ huynh có con bước vào tuổi dậy thì.
Hãy lắng nghe tiếng lòng của con
Nếu cha mẹ muốn hiểu những suy nghĩ thầm kín hay những việc xảy ra trong cuộc sống của con thì những câu hỏi trực tiếp thường không hiệu quả bằng việc chỉ đơn giản là chúng ta nên lắng nghe và quan sát con. Có những trẻ hoạt ngôn, các em sẽ thích chia sẻ hơn, nhưng có những trẻ có đời sống nội tâm phong phú các em không muốn trò chuyện trực tiếp thì chúng ta có thể quan sát hành động, cảm xúc của con, để hiểu được điều con đang cần cha mẹ đồng hành trong chặng đường đi tìm “cái tôi” của bản thân. Trong những lúc tâm sinh lý của con chưa ổn định như vậy, cha mẹ hãy đồng hành cùng con như một người bạn, thay vì ép buộc cho con vào khuôn phép như những gì chúng ta muốn, điều đó sẽ chỉ khiến con tổn thương và không thể mở lòng.
Thể hiện sự tin tưởng đối với con
Khi trẻ bước vào lứa tuổi teen thường muốn được mọi người, đặc biệt là cha mẹ công nhận một cách nghiêm túc rằng mình đã trưởng thành, và có thể tự quyết định mọi việc. Bởi vậy, cha mẹ nên tìm cách thể hiện rằng mình luôn tin tưởng con vào mọi quyết định cũng như hành động của con.
Cha mẹ hãy thể hiện cho con biết rằng cha mẹ luôn tin tưởng vào con và cho con những quyền cá nhân tự quyết định. Ví dụ như chúng ta có thể cho con tự quyết định giáo viên dạy thêm, môn học phụ đạo, món đồ con muốn mua… Đặc biệt với những việc liên quan trực tiếp đến con, hoặc những việc có tính quyết định cao hãy để con tự quyết, để trẻ thấy rằng cha mẹ luôn tin tưởng và ủng hộ những quyết định của con.
Đừng quá khắt khe với con
Bố mẹ vẫn có thể đặt ra các quy tắc nhất định nhưng đừng quá máy móc, cứng nhắc. Khi con chưa hiểu về những quy tắc ấy hãy sẵn sàng giải thích cho con khi con muốn hiểu. Mặc dù việc đặt ra ranh giới là rất cần thiết nhưng bố mẹ cần phải giải thích chu đáo lý do tại sao con lại không được phép vượt qua ranh giới đó. Như vậy, sẽ giúp quy tắc mà bố mẹ đặt ra cho con hợp lý hơn, và cũng sẽ giúp con dễ dàng chấp nhận hơn.
Hãy khen ngợi con
Bố mẹ có xu hướng khen ngợi con nhiều hơn khi con còn nhỏ mà quên mất rằng khi con bước vào lứa tuổi thanh thiếu niên cũng rất cần tình yêu thương và sự vỗ về tinh thần. Các con sẽ cố tỏ ra là mình đã trưởng thành nhưng sâu bên trong tâm hồn ai cũng yêu thích những lời khen ngợi. Bởi vậy bố mẹ nên tìm mọi cơ hội để khen ngợi, khuyến khích, động viên con. Điều đó giúp cho mối quan hệ giữa bố mẹ và các con được tốt hơn, đặc biệt những lúc con cảm thấy căng thẳng và cần điểm tựa từ phía gia đình.
Kiểm soát cảm xúc của bạn
Bố mẹ thường rất khó kiềm chế được sự nóng giận khi con tỏ ra ngang bướng. Nhưng là bố mẹ cần phải đặt cho mình một nguyên tắc là giáo dục không đòn roi. Hãy nhớ rằng, bố mẹ là người trưởng thành và con ít có khả năng kiểm soát cảm xúc của chúng hơn.
Khi cảm thấy nóng giận, bố mẹ hãy đếm đến mười, hoặc hít thở sâu trước khi trả lời. Nếu cả bố mẹ và con đều bức xúc thì tốt nhất, bố mẹ hãy tạm kết thúc câu chuyện cho đến khi có cơ hội bình tĩnh trở lại.
Làm mọi việc cùng con
Nói chuyện không phải là cách duy nhất để giao tiếp. Trong khoảng thời gian con bước vào tuổi thanh thiếu niên, nếu bố mẹ có thể dành thời gian làm những việc mà cả gia đình cùng thích: có thể là cùng nấu ăn hay đi bộ hoặc xem bộ phim cả nhà yêu thích… cha mẹ hãy nhớ là đừng nói bất cứ điều gì cá nhân, hoặc ai đó, hãy để đó là khoảng thời gian chúng ta và con cùng thư giãn. Và hãy tạo mọi cơ hội để có thể cùng con làm những việc con thích như: Cùng trang trí góc học tập với con, cùng con đi mua những món đồ con yêu thích… để con thấy rằng ở mọi khoảnh khắc nào con cũng có cha mẹ ở bên.
Luôn ngồi vào bàn ăn cùng con
Ngồi ăn cùng con trong những bữa cơm gia đình là cách tuyệt vời để bố mẹ gần gũi với con, đặc biệt là các bạn nhỏ đang trong lứa tuổi teen. Trò chuyện trong bữa cơm về những chủ đề con yêu thích là cơ hội tuyệt vời để bố mẹ giao tiếp với con. Những đứa trẻ tuổi teen cảm thấy thoải mái khi nói chuyện với bố mẹ về những điều hàng ngày có khả năng sẽ cởi mở hơn khi muốn nhờ sự trợ giúp khi gặp khó khăn trong cuộc sống.
Ngoài ra, để đồng hành cùng con trong giai đoạn tuổi teen, Việt An Books đã cho phát hành 02 tựa sách: Nhật kí tuổi teen – Vì mình là cô gái tuổi teen và Nhật kí tuổi teen – Mẹ hãy buông tay để con được lớn. Đây được coi là “bí kíp” gỡ rối tâm tư tuổi teen mà nhiều cha mẹ tin tưởng. Hãy cùng Việt An Books đồng hành với con vượt qua giai đoạn khủng hoảng tuổi teen các phụ huynh thân yêu nhé!
Add Comment