Bố mẹ phải làm gì khi trẻ chán học?

Bố mẹ phải làm gì khi trẻ chán học?

Chán học là “căn bệnh” mà rất nhiều học sinh hiện nay đang mắc phải. Tùy vào nhận thức, tính cách của mỗi trẻ mà cấp độ và thời gian “nhiễm bệnh” khác nhau. Nếu cha mẹ không kịp thời phát hiện và có những biện pháp khắc phục ngay tình trạng chán học này thì lực học của trẻ rất có khả năng tụt dốc không phanh.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tâm lý chán học ở trẻ. Trẻ từ chối việc học, vấn đề không chỉ nằm ở tính cách và mức độ nhận thức của trẻ mà đôi khi nó còn xuất phát từ chính môi trường sống cũng như cách nuôi dạy con của cha mẹ. Dưới đây là một số nhân tố căn bản vô tình gây ra việc chán học ở trẻ:

  • Trẻ thiếu tự tin vì thành tích học tập không tốt, từ đó dẫn đến tâm lý tự ti, chán nản và buông bỏ việc học.

Con thông minh, học giỏi là điều mà bất cứ cha mẹ nào cũng mong mỏi. Tuy nhiên, không phải tất cả các trẻ cũng đều phát triển theo một tốc độ giống nhau: có bé tư duy tốt, hiểu nhanh nhưng cũng có những bé tư duy chậm, nhận thức không nhanh nhạy bằng các bạn khác. Khi kết quả học tập của con không được như ý muốn mặc dù con đã cố gắng hết sức, lúc này trẻ rất dễ có tâm lý tự ti, chán nản. Trong trường hợp đó, nếu bố mẹ càng thúc ép và so sánh con phải đạt được kết quả như thế này, phải học giỏi giống như bạn kia sẽ khiến trẻ bị tổn thương và tự gán nhãn tiêu cực cho mình. Vì vậy, cha mẹ nên nhìn nhận vào khả năng thực tế của con để vạch ra các kế hoạch học tập phù hợp cho con. Đồng thời, cha mẹ cũng phải thường xuyên khuyến khích và động viên con, tuyệt đối không nên quát mắng và so sánh con với các bạn khác.

  • Bản thân trẻ không có khả năng khống chế bản thân, sức tập trung không đủ.

Những trẻ không có tính tự giác và độ tập trung trong việc học rất dễ bị sao nhãng bởi các hoạt động khác như: Âm lượng phát ra từ tivi, tiếng cười đùa của những người thân trong gia đình… Đặc biệt, khi thời gian học của con luôn bắt đầu vào lúc con đang xem dở chương trình tivi yêu thích, tham gia hoặc đang chơi một trò chơi nào đó… thì chắc chắn trẻ không thể nào mà tập trung học được. Trong trường hợp này, cha mẹ cần phải nghiêm khắc trong việc lên thời gian biểu cho con, đồng thời cần bố trí cho con một góc học tập phù hợp, yên tĩnh và đầy đủ ánh sáng. Bên cạnh đó, trong thời gian con học bài, cha mẹ không nên nói chuyện quá to hay ngồi xem tivi với tiếng loa lớn. Không chỉ khiến trẻ mất tập trung mà còn khiến trẻ cảm thấy đơn độc, ghen tị vì trong khi mọi người ngồi chơi thì trẻ lại phải học…

 

 

 

  • Thời gian học ở trường lớp quá nhiều khiến trẻ không có thời gian để thư giãn, nghỉ ngơi.

Học quá nhiều không có thời gian nghỉ ngơi cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ chán học. Đừng để tâm trí của con bạn luôn bị “ngộp thở” trong bài vở và không màng đến những chuyện đang xảy ra xung quanh. Hãy để con tham gia hoạt động thể thao, âm nhạc hoặc tìm hiểu về nghệ thuật, điều này sẽ giúp các con giải tỏa được áp lực tâm lý, thoát khỏi sự lo lắng, căng thẳng. Cha mẹ nên thường xuyên khích lệ, động viên con, tạo cho con có thời gian thư giãn bằng các chuyến du lịch hoặc đi cắm trại cùng con. Khi tâm lý của con được thoải mái thì việc học tập, tư duy trong con sẽ được khơi nguồn, con cũng có hứng thú hơn với việc học.

  • Trẻ không tiếp thu được kiến thức với phương pháp giảng dạy của giáo viên.

Nhiều trẻ thích môn học này nhưng lại ghét môn học kia. Có dạo mình thấy bé nhà mình mỗi khi đến giờ học Toán là bé lại tỏ ra chán nản, cáu kỉnh không muốn học. Và từ từ mình mới tìm hiểu nguyên nhân và tìm được vấn đề đó chính là do bé không hài lòng với phương pháp giảng dạy của giáo viên bộ môn.

Việc tạo sự hứng thú và đam mê trong môn học rất quan trọng và có ý nghĩa với trẻ. Ngay bản thân người lớn cũng vậy, chúng ta sẽ chẳng làm được việc gì lâu dài nếu không có hứng thú và đam mê. Trong trường hợp này, cha mẹ nên nói chuyện và trao đổi với giáo viên của con để tìm hiểu nguyên nhân chính xác, do trẻ viện lý do để trốn tránh việc học hay do cách dạy của giáo viên chưa thực sự phù hợp với tư duy và khả năng tiếp thu của trẻ, từ đó tìm ra biện pháp khắc phục phù hợp.

  • Nhiều cha mẹ do công việc quá bận, không có thời gian quan tâm đến chuyện học hành của con cái.

Cuộc sống hiện đại, cha mẹ mải mê với vòng xoáy kiếm tiền mà quên đi chuyện học hành của con, thậm chí phó thác toàn bộ cho người giúp việc, gia sư, giáo viên… Con cảm giác con bị bỏ rơi, trong lòng con sẽ đặt ra câu hỏi mình học vì điều gì khi chính cha mẹ, người thân nhất của mình không quan tâm đến mình. Con được điểm cao không khen ngợi, con điểm thấp không ai mắng, ai chê… Con cứ học như một thói quen, một trách nhiệm, một nghĩa vụ.

Vì vậy, muốn con thoát cảnh “chán học” cha mẹ nên dành nhiều thời gian hơn cho con, không nhất thiết giám sát kết quả học của con mà chỉ cần động viên khích lệ con khi cần thiết, chia sẻ cùng con những khó khăn, những niềm vui để con có động lực hơn nữa học tập.

 

 

  • Chịu ảnh hưởng từ hoàn cảnh gia đình, không thích bài vở, thiếu động cơ học tập.

Hoàn cảnh gia đình là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng phần nào đến kết quả học tập của trẻ. Cha mẹ bận rộn với công việc không quan tâm khiến trẻ chán học. Việc cha mẹ bất hòa, cãi vã hay xô xát, thậm chí ly thân, ly dị cũng khiến tâm lý của trẻ bị ảnh hưởng. Khi hạnh phúc gia đình không có, con sẽ cảm thấy bị tổn thương, việc học không còn ý nghĩa với con, hay với người thân yêu của con…

Ngoài ra, nhiều cha mẹ chưa thực sự coi trọng việc học, chưa phân tích cho con hiểu ý nghĩa của việc học như thế nào, hay đưa ra nhiều tấm gương kiếm tiền mà không cần học… Sẽ khiến con cảm thấy học nhàm chán, không muốn động chạm vào sách vở, không có động cơ cố gắng học tập…

 

Add Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Style switcher RESET
Body styles
Color settings
Link color
Menu color
User color
Background pattern
Background image