CHA MẸ SẼ LÀM GÌ NẾU CON ĐI HỌC BỊ BẮT NẠT, CÔ LẬP?

CHA MẸ SẼ LÀM GÌ NẾU CON ĐI HỌC BỊ BẮT NẠT, CÔ LẬP?

 

Trái tim của trẻ như đại dương sâu thẳm, nhìn bằng mắt sẽ không cảm nhận được những dữ dội bên trong, chúng ta phải sử dụng tất cả những giác quan yêu thương và vị tha mới có thể khiến những đứa trẻ mở lòng. Câu chuyện về bạo lực học đường vẫn là những câu chuyện muôn thủa chưa có lời giải đáp. Chắc ai trong chúng ta cũng từng trải qua cái cảm giác khủng khiếp ấy rồi, kể cả là nạn nhân hay chỉ là người đứng ngoài quan sát.

Cô lập bạn bè không chỉ là một hành vi đơn thuần của những người thích thể hiện mình là kẻ mạnh, thể hiện vị trí của người đứng đầu, duy nhất trong một lớp học để lôi kéo phe phái. Những người bước về phía đám đông không phải vì đám đông đó đúng, chỉ đơn thuần là không ai muốn mình lẻ loi, sợ phải đứng một mình, vậy thôi. Còn nạn nhân của nạn cô lập ấy – họ cũng chẳng sai, chẳng xấu, chẳng đáng ghét – nhưng họ vô tình trở thành vật cản, cái gai trong mắt của một ai đó, họ cũng có thể là đối tượng để một số người mượn làm bàn đạp thể hiện cá tính bản thân.

 

 

Những trò tưởng trẻ con ấy – hoá ra lại có sức công phá ghê gớm, có thể huỷ hoại cuộc đời của một con người. Tâm hồn của đứa trẻ, nhiều khi không chịu đựng được những tổn thương từ sự vô tâm ấy, sẽ tồi tệ vô cùng khi chúng phải chiến đấu một mình, hiểu về nỗi cô đơn quá sớm.

Khi con bạn bị bắt nạt, chúng ta phải làm gì?

Chúng ta không thể khuyên con trả thù hay chạy đến để dạy cho “lũ trẻ kia” một bài học. Nhưng chúng ta cần phải:

– Luôn luôn quan sát mọi biểu hiện của con, lắng nghe những tâm sự của con mỗi ngày.

– Khi xảy ra sự việc, hãy cố gắng tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến việc con bị cô lập, bắt nạt. Bình tĩnh để phân tích cho con nghe về những điều đúng, sai mà con đang gặp phải. Tuyệt đối không nóng nảy, bênh vực con mà chỉ trích “người bắt nạt” một cách vội vàng.

– Dạy con cách đối mặt một cách thẳng thắn, nói ra những cảm nghĩ của mình trước những trò đùa cợt, phá bĩnh của các bạn trong lớp.

– Cần có buổi trao đổi với giáo viên chủ nhiệm và cha mẹ của những đứa trẻ cầm đầu trò đùa ấy.

– Nên cho con học võ, không phải để đánh bạn mà là để tự vệ thích đáng cho bản thân khi bị bắt nạt.

– Cho con đọc nhiều sách tâm lý, đạo đức và đưa con đến các chuyên gia tâm lý để con được tư vấn, trao đổi, giải toả kịp thời.

– Chủ động liên hệ với giáo viên, có buổi trò chuyện thân mật với tư cách là phụ huynh học sinh với các bạn trong lớp của con về vấn đề mà con đang gặp phải.

Cuối cùng, khi đã làm tất cả phương án trên, nếu tình trạng bạo lực, cô lập không kết thúc, hãy trao đổi và lắng nghe ý kiến của con một cách nghiêm túc về vấn đề con đang vướng mắc. Nếu con muốn chuyển trường, chuyển lớp – hãy tôn trọng quyết định của con.

Còn nếu con bạn là những “siêu quậy” của những trò cầm đầu trong lớp?

Đây chính là vấn đề khá nhạy cảm. Trẻ con là tấm gương phản chiếu hành vi của người lớn. Thông thường, một đứa trẻ sẽ chỉ sử dụng bạo lực khi chúng đã trải qua vấn đề đó. Một đứa trẻ thích nổi bật, ích kỷ với bạn bè là đứa trẻ nhận được ít sự yêu thương từ phía gia đình. Vậy thì chúng ta phải làm gì để giúp con hình thành tư tưởng chia sẻ – yêu thương – giúp đỡ bạn bè ngay từ khi còn nhỏ?

Để mình lấy cho các bạn một minh chứng cụ thể, để mọi người hình dung được rõ vấn đề. Bé nhà mình rất tình cảm nhưng cũng rất bướng. Bé không thích điều gì thường phản kháng luôn bằng hành động. Một lần chơi cùng các bạn trong xóm, bé không muốn cho một bạn mượn xe nên đã đẩy bạn ngã. Mình nhìn thấy điều đó, ngay lập tức mình gọi con và hỏi vì sao con lại làm thế? Con không trả lời, mình bảo con: “- Con có biết đẩy bạn ngã như vậy sẽ làm bạn bị đau không? Bây giờ mẹ cũng làm tương tự như con đã làm với bạn nhé”. Mình đẩy nhẹ con ngã. Con bé oà khóc, chạy ra xin lỗi bạn. Từ đấy không bao giờ con có hành vi như thế nữa.

 

Vấn đề ở đây, không phải khi thấy con sai, chúng ta là người lớn chỉ chép miệng cho qua. Những lần chơi chung với bạn, bé sẽ thể hiện rõ nhất việc cư xử với bạn bè như thế nào. Khi con làm sai, đa số các bố các mẹ đều cho rằng con còn nhỏ chưa hiểu chuyện, nên dễ dàng bỏ qua cho con. Nhưng không, một lần sai không có nhận thức để sửa sẽ dẫn đến trăm ngàn cái sai nghiêm trọng, nhất là khi nó hình thành tư tưởng ích kỷ và độc đoán.

Mình không cho rằng, con trẻ sai phải đánh mắng, nhưng cho con chịu trách nhiệm với hành vi của mình là điều mà cha mẹ cần làm. Trở lại với những đứa trẻ ương bướng, ích kỷ, hay đánh bạn, tranh đồ, khi thấy những hành động của con mình như thế, mình sẽ cho con chịu hình phạt tương tự:

– Con đánh bạn một cái rất đau, mẹ cũng đánh con một cái và giải thích để con hiểu.

– Con lấy đồ của bạn, hãy thu món đồ mà con yêu thích nhất, không cho chơi cho đến khi con hiểu về sự mất mát.

– Con chế nhạo, cô lập bạn, hãy nói chuyện với các bạn trong nhóm của con, không chơi với con trong một tuần, cho con ý thức được việc phải chơi một mình thế nào.

Cuối cùng, có một lời khuyên của một nhà tâm lý học rất hay đã nói rằng: “Trái tim của trẻ như đại dương sâu thẳm, nhìn bằng mắt sẽ không cảm nhận được những dữ dội bên trong, phải bằng tất cả những giác quan yêu thương và vị tha mới khiến lũ trẻ mở lòng. Khi đó, người lớn sẽ thấy, đại dương cuồng nộ thật ra chỉ là những dịu dàng, êm ái của một trái tim đang khao khát được quan tâm. Với trẻ, mọi hành vi đều có nguyên nhân, nắm rõ một nguyên nhân sẽ có ích hơn dọn dẹp một kết quả”.

Thật ra, chúng ta không có quyền trách con trẻ đi sai, chỉ có thể tự trách mình đã bao giờ đủ kiên nhẫn để hiểu hết một tâm tư non nớt hay không mà thôi.

Add Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Style switcher RESET
Body styles
Color settings
Link color
Menu color
User color
Background pattern
Background image